Community Colleges in Vietnam > Tien Giang community college Last updated 2002-01-08


This site presents a collection of articles by Dr Do Ba Khe and colleagues on education and, in particular, on the community college system in Vietnam.


Comments are welcome.
 

Đổi mới phục hồi Đại học cộng đồng Tiền Giang

Đỗ Bá Khê
18 May 1998

Đại học cộng đồng được thành lập trước 1975

Đại học Cộng đồng (ĐHCĐ) Tiền Giang (TG) nằm trong hệ thống ĐHCĐ được thành lập tại Miền Nam năm 1971 với viển tượng hòa bình, trong kế hoạch tái thiết hậu chiến và sau một cuộc nghiên cứu và trình bày sâu rộng trong dân chúng, nhứt là ở địa phương.

Khởi điểm là một cuộc nghiên cứu vào năm 1969 (giữa lúc hòa đàm diễn ra ở Paris) để kết thúc bằng một luận án tiến sĩ trình tại University of Southern California năm 1970, tựa đề: The Community Junior College Concept: A Study of Its Relevance to Postwar Reconstruction in Vietnam (Đại học Cộng đồng: Nghiên cứu Sự Phù hợp của Nó với Cuộc Tái thiết Hậu chiến).

Luận án nầy rất may mắn được sự tán thành của Chánh phủ Việt Nam Cộng hòa, nhút là Bộ Giáo dục. Vì quan niệm ĐHCĐ quá mới mẽ, nên được phổ biến rộng rãi qua báo chí, hệ thống truyền thông, và giải thích cặn kẽ tại thủ đô Sài Gòn trong các cuộc hội thảo, như ở Viện Quốc gia Hành chánh, Trường Cao đẳng Quốc phòng, Hội Việt Mỹ, điều trần tại Quốc hội, cùng tại địa phương trong các buổi nói chuyện, như Mỹ Tho, Nha Trang. Tại địa phương, trong thành phần tham dự có rất đông quân nhân, vì một vai trò quan trọng của ĐHCĐ là thực hiện các chương trình cố vấn, giáo dục và huấn nghệ thích nghi với sự giúp đở hằng vạn quân nhân sắp giải ngũ, khi chiến tranh chấm dứt, để trở lại đòi sống dân sự cùng với gia đình trong cảnh thái bình mà ai cũng mong mõi.

Các ĐHCĐ đầu tiên được thành lập năm 1971 là ĐHCĐ Tiền Giang tại Mỹ Tho, ĐHCĐ Duyên Hải tại Nha Trang và Đại học Sơ cấp Kỹ thuật Sài Gòn (tức là Trường Cán sự Kỹ thuật Phú Thọ củ, nay tách ra khỏi khối các trường kỹ sư và hưởng qui chế ĐHCĐ). Trong tương lai gần, các trường kế tiếp sẻ là ĐHCĐ Long Hồ tại Vĩnh Long và Quảng Đà (rút trong địa danh Quảng Nam và Đà Nẳng) tại Đà Nẳng. Năm 1973, theo mô thức ĐHCĐ công lập, một trường tư dành riêng cho nữ sinh được Bộ Giáo dục cho phép thành lập tại Sài Gòn với tên Regina Pacis.

Hai mối quan tâm trong việc thực hiện ĐHCĐ là cơ sỏ và nhơn viên. Về cơ sở, Đại học Sơ cấp Kỹ thuật Sài Gòn, vì nằm trong khu các trường kỹ sư Phú Thọ, nên đã có phòng ốc trang bị sẵn rồi. Lúc đó quân đội Hoa Kỳ đang rút lui. Nhiều cơ quan Việt Nam, đứng đầu là quân đội, muốn tiếp thâu các sở của Hoa Kỳ đễ lại. Nhưng về phương diện giao tế và chánh trị, hợp lý và được lòng dân nhứt là chuyển cơ sở quân sự thành trường học. Vì vậy, người có trách nhiệm phải ngoại giao với cả nhà chức trách Việt lẫn Mỹ đễ xin các cơ sở đó. Kết quả, một căn cứ quân đội được nhường cho ĐHCĐ Duyên Hải ở Nha Trang, một sân bay ở Trung Lương được cấp cho ĐHCĐ Tiền Giang.

Về nhơn sự, T. S. Nguyễn Đăng Long, giáo sư nông nghiệp, được cử làm Viện trưỏng ĐHCĐ Tiền Giang, T.S. Trần Ngọc Lợi, Giám đốc Hải học viện Nha Trang, làm Viện trưỏng ĐHCĐ Duyên Hải. (ĐHCĐ Duyên Hải hướng về ngư nghiệp, ĐHCĐ Tiền Giang hướng về nông ngjhiệp). Hai vị nầy được đi quan sát và dự các hội thảo tại Hoa Kỳ để thâu thập kinh nghiệm về lãnh đạo ĐHCĐ. Ở cấp khoa trưởng, có 5 vị giáo sư trung học được học bổng (Fulbright và Asia Foundation) sang University of Southern California, Los Angeles để lấy cấp bằng Master chuyên về quản trị ĐHCĐ, đó là các giáo sư Phan Văn Ba, Phạm Ngọc Thạch, Trần Văn Nhơn, Huỳnh Khắc Hoàng và Nguyễn Công Chánh. Chỉ có G.S. Nguyễn Đăng Long và G.S. Phan Văn Ba còn ở lại Việt Nam. Hiện nay G.S. Long làm việc cho một hãng dược phẩm ngoại quốc. Sau khi ĐHCĐ được sống lại (xin xem đoạn sau), G.S. Ba đương nhiên là chuyên viên duy nhứt còn lại, được trọng dụng trong việc thành lập và phát triển ĐHCĐ, và hiện nay ông là Giám đốc ĐHCĐTG.

Việc thành lập ĐHCĐ tại Việt Nam đã được tường thuật trong nhiều ấn phẩm, như tạp chí chuyên nghiệp tại Hoa Kỳ, Junior College Journal (November, 1971) của American Association of Community Junior Colleges, Community College Review (July, 1973), và tại Sài Gòn, The Journal of the Vietnam-American Association (December, 1972).

Cũng như một số ĐHCĐ đầu tiên tại Hoa Kỳ, ĐHCĐ Tiền Giang được thành lập từ một trường sư phạm (tại Ngả ba Trung Lương), lần lần thêm vào đó các ngành học cần thiết đễ có một chương trình tổng hợp súc tích phù hợp với nhu cầu phát triển địa phương và quốc gia.

Trong khóa 1, ĐHCĐ TG đã đào tạo 194 giáo viên trung học cơ sở cho các ngành: Việt văn, 48; Toán, 48; Lý Hóa, 49; Anh văn, 49. Khóa 2 và 3 gặp phải biến cố 1975. Trường còn 481 sinh viên gồm: 323 sư phạm, 121 canh nông, 37 thú y. Tuy đã bị giải thể trường tiếp tục chương trình đang dở dang và dạy cho các sinh viên nầy tốt nghiệp.

ĐHCĐTG bị biến thể nhiều lần sau 1975

Sau 1975, dưới chánh sách thống nhứt và đồng nhứt, một mạng lưới đại học bao trùm hơn 100 đại học toàn quốc theo mẫu của miền Bắc (theo mẫu đã lỗi thời của Nga), với những trường đại học đơn ngành nhỏ riêng rẻ không liên kết với nhau và không liên hệ gì với hằng 100 viện nghiên cứu. Đại học Sài Gòn và Đại học Bách khoa Thủ Đức bị phân tán để theo mẫu đó. Các ĐHCĐ bị biến thể thành những trung tâm giáo dục với chương trình thâu hẹp.

Riêng ĐHCĐTG bị biến thể nhiều lần. Trong khoảng 1976-1981, do quyết định của Hội đồng Chánh phủ, nó trực thuộc Trường Đại học Tp Hồ Chí Minh với tên: Trường Dự bị Đại học Tiền Giang - cơ sở 2, để dạy các khóa dự bị với sĩ số 1,300 sinh viên. Trong khoảng 1981-1984, do quyết định của Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, nó trở thành Trường Đại học Cần Thơ - cơ sở II . Rồi từ năm 1984 nó được cho một cái tên dài dòng khác là Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng tại chức Liên tỉnh Tiền Giang - Long An - Bến Tre - Hệ Đại học. Hiện nay, danh hiệu nầy vẫn còn dùng trên các ấn chỉ và ngay trước cổng trường.

Trải qua các thay đổi, từ 1981 đến 1996, Trung tâm đã phối hợp các trường đại học ở Tp Hồ Chí Minh, ĐH Cần Thơ, ĐH Luật Hà Nội đào tạo tốt nghiệp đại học cho 1,144 sinh viên trong các ngành: trồng trọt, chăn nuôi thú y, kinh tế nông nghiệp, tài chánh kế toán, kế hoạch, chế biến thực phẩm, luật, cơ khí.

Năm 1996, số sinh viên học ở Trung tâm gồm các ngành tài chánh kế toán, luật, điện-điện tử, cơ khí. Trung tâm đã bồi dưỡng cho 1,240 học viên thuộc các lớp: luật, hội thẩm nhơn dân, giao thông nông thôn, thanh tra giao thông công chánh, nuôi ong, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, cán bộ đoàn thanh niên.

Mặc dầu có khả năng giãng dạy và chức vụ đại học, cái danh xưng nguyên thủy Đại học Cộng đồng Tiền Giang vẫn còn mất.

ĐHCĐ sống lại trong chánh sách đổi mới

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDDdT) nhìn nhận rằng việc thống nhứt mạng lưới đại học đã thất bại, làm cho giáo dục đại học Việt Nam xuống dốc, đứng sau các nước trong Đông Nam Á. Vì vậy, trong kế hoạch đổi mới đại học năm 1995, có hai thay đổi về cơ cấu tổ chức, đó là:

  1. xây dựng các VĐH đa ngành lớn bao trùm các viện nghiên cứu khoa học,
  2. thành lập hệ thống ĐHCĐ ở địa phương và giãng dạy một số chương trình giai đoạn 1 đại học đễ tạo cơ hội cho sinh viên ở các địa phương có thể chuyễn tiếp vào các đại học lớn.

Năm 1994, Canada có hứa giúp xây cất 2 ĐHCĐ ở miền Bắc. Năm 1996, có dự án thành lập 6 ĐHCĐ ở các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Tháp, Hà Tây, Hải Phòng, Tiền Giang, và Quảng Ngải với tài trợ của Hòa Lan.

Mới đây, báo Kinh tế Việt Nam có bài "Khuyến khích đại học cộng đồng, Đòn bẩy CNH-HĐH (Công nghiệp hóa --Hịện đại hóa) ở địa phương" nói rằng:

Mặc dù chúng ta có đến 103 trường đại học và cao đẳng (ĐH và CĐ), nhưng hầu hết là trường đơn ngành. Bộ GDDdT chưa tìm ra được cơ chế quản lý các trường ĐH và CĐ. Vì thế đã có thời sáp nhập ồ ạt các trường chuyên ngành đặc thù mà không mang lại hiệu quả gì. Trong khi đó vẫn tồn tại rất nhiều trường quy mô nhỏ độc lập rời nhau. Tình trạng đó tất yếu dẫn tới chất lượng đào tạo không đồng bộ, không lành nghề. Bậc đại học không thiên lệch nhồi nhét kiến thức theo lối hàn lâm, thiếu hẳn bộ phận giáo dục công nghệ. Vì thế chúng ta thiếu công nhân bậc cao, kỹ thuật viên, đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp. Hiện nay hệ thống các trường ĐH và CĐ gồm có 8 nhóm..... Trong số này, loại trưòng cao đẳng cộng đồng hay đại học cộng đồng (ĐHCĐ) đáng được quan tâm đặc biệt. Báo cáo của Chính phủ tại hội nghị điều phối viện trợ cho ngành GD-ĐT 9/95 và nhất là trong nghị quyết Hội nghị trung ương 2 khóa 8 cũng đã đề cập đến xây dựng ĐHCĐ. Nhất là khi đề ra đường lối CNH-HĐH và quyết tâm thực hiện quá trình này chỉ trong một vài thập kỷ, cùng với việc chuyển sang nền kinh tế thị trường vẫn cần bảo đảm công bằng xã hội cho học sinh nghèo, học sinh nông thôn đối với quyền lợi học tập, thì ĐHCĐ là một nhu cầu kịp thời và thích hợp. Nhờ thế riêng biệt này mà ĐHCĐ đã tạo ra nguồn nhân lực lành nghề và đồng bộ. Nếu địa phương được trang bị công nghệ tân tiến, thì chắc chắn hàng hóa có chất lựơng cao giá thành thấp, có năng lực cạnh tranh xuất khẩu, đứng vững trong cơ chế kinh tế mở.

Nhận thức rõ vai trò của các trường ĐHCĐ, về lợi ích nhiều mặt, nên ngày 15/10/97, trường đại học đầu tiên (?) mang tên Hồng Đức đã ra đời ở Thanh Hóa. Đến nay đã có hàng chục tỉnh đang xin Thủ tướng cho mở trường ĐHCĐ: Vĩnh Long, Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Đồng Nai, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Hải Phòng...

Lưu ý: ĐHCĐ Tiền Giang được thành lập 26 năm về trước, ngày 15/8/1971, vậy m°a chưa được chánh thức hoàn lại tên nguyên thủy, mặc dầu Ủy ban Nhân dân Tiền Giang đã trình từ năm 1996 Dự án Phục hồi và Phát triển ĐHCĐTG, và Bộ GDDdT đã có lời khen như sau:

Việc chọn mô hình ĐHCĐ làm công cụ để bão đãm nhân lực kỹ thuật cho sự phát triển kinh tế xã hội của Tiền Giang là chính xác. Nếu lãnh đạo Đãng và Chính quyền Tiền Giang nhất trí và quyết tâm cao trong việc xây dựng ĐHCĐ, thì nó sẽ trở thành một nhân tố quan trọng của cơ sở hạ tầng để phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. (Hà Nội 10/5/1996)

Liên kết (Articulation) giửa Tiền Giang và Sài Gòn

Trong kế hoạch đổi mới, năm 1995 Bộ GDDdT kết lại một số trường nhỏ đơn ngành để tái lập 2 viện đại học đa ngành (multidisciplinary) hoặc bách khoa (polytechnic) gọi là viện đại học quốc gia (VĐHQG): VĐHQG-Hà Nội và VĐHQG-Tp Hồ Chí Minh (Vietnam National University-HCM City, gọi tắt là VNU-HCM). Viện nầy gồm có 10 phân khoa: Đại cương, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Giáo dục, Kỹ thuật, Kinh tế, Nông Lâm, Luật, Kiến trúc, Sư phạm Kỹ thụât. Thật ra, các phân khoa nầy trước 1975 là thành phần của 2 VĐH Sài Gòn và Bách khoa Thủ Đức, bị tàch rời ra từng trường đơn ngành sau 1975, nay được sáp nhập để trở lại đa ngành.

Đại học Đại cương của VĐHQG-Tp HCM liên kết chặt chẽ với ĐHCĐ Tiền Giang bằng cách tuyển sinh và mở các lớp đại học đại cương chính qui ngay tại Tiền Giang. Sau khi hoàn tất chương trình sơ cấp trong vòng 1.5 hoặc 2.0 năm (lower division) tại Tiền Giang sinh viên sẽ được tuyển vào các lớp trên (upper division) tại VĐHQG Tp HCM, giống như chương trình transfer của community college tại Hoa Kỳ.

Giáo sư của Tiền Giang và Sài Gòn phối hợp từng bước trong công tác liên kết nầy, gồm có ôn thi, tổ chức thi tuyển và giãng dạy các lớp đại cương tại Tiền Giang. Đây là một tiến triển rất thuận lợi cho sinh viên địa phương; sau khi hoàn tất 2 năm đầu đại học ngay tại tỉnh nhà ít tốn kém và gần gia đình, sẻ được chuyển lên Sài Gòn học 2 năm sau để tốt nghiệp cử nhơn. Trước 1975, không có sự liên kết nầy.

Ngoại viện cho ĐHCĐTG

Ban giám đốc ĐHCĐTG áp dụng chánh sách mở rộng, liên lạc, tìm tài liệu và đón nhận ý kiến của người ỏ nước ngoài. Như đã nói ở đoạn trên, Hòa Lan hứa giúp 6 ĐHCĐ trong đó có ĐHCĐTG. Ông Phan Văn Ba là một trong những chuyên viên trong Ủy ban Nghiên cứu dự án thiết lập các trường đó (1996). Ngoài người Việt Nam, ủy ban đó gồm có chuyên viên Canada và Hòa Lan.

Mấy năm sau nầy, có rất nhiều nhơn viên đại học Hoa Kỳ thăm viếng và cộng tác với đại học Việt Nam. Nhờ vị trí nằm trên trục giao thông giửa Sài Gòn và Hậu Giang nên ĐHCĐTG có nhiều dịp để tiếp đón các phái đoàn ngoại quốc. Hè 1997, sau cuộc thăm viếng của một phái đoàn từ California, ĐHCĐTG tiếp đón một phái đoàn từ New York.

Tháng 12, 1997, đến Sài Gòn và trong khi chờ đợi đi Vũng Tàu đễ thương thuyết hợp tác khai thác mỏ dầu ngoài khơi, một phái đoàn của công ty dầu Chevron muốn thăm viếng ĐHCĐ đầu tiên của Việt Nam để tìm hiểu vai trò của trường nầy trong đại cuộc công nghệ hóa địa phương liên hệ với phát triển kinh tế quốc gia. Họ rất hài lòng về sự đối đãi nồng hậu của nhà trường, và tặng ngay một số học bổng cho sinh viên. Nếu cuộc thương thuyết của Chevron thành công, hy vọng rằng ĐHCĐTG sẻ được giúp đỡ nhiều hơn trong tương lai.

Trước đó, tháng 7, 1997, trong cuộc viếng thăm các chương trình giúp đỡ về y tế, giáo dục và văn hóa từ Nam chí Bắc của cơ quan từ thiện VNHELP (Viet Nam Health, Education & Literature Projects), sau khi viếng ĐH Cần Thơ, Bà Giám đốc Điều hành có ghé thăm viếng ĐHCĐTG và hứa cấp một số học bổng cho sinh viên túng thiếu và hiếu học. Bà lưu lại một số mẫu đơn và chĩ dẫn cách điền đơn đễ cho sinh viên nộp theo tiêu chuẩn của cơ quan. Ban Giám đốc của VNHELP tại California xét đơn, và ngày 27/3/98 Bà Chủ tịch Hội đồng Quán trị của VNHELP đến ĐHCĐTG để dự lể phát học bổng cho 20 sinh viên. Loại học bổng nầy sẻ tiếp tục hằng năm. Tuy nhiên, đây chỉ là một trợ cấp rất khiêm tốn. Mong rằng nhiều mạnh thưòng quân sẻ nâng đỡ ĐHCĐTG trên đường phục hồi và phát triển.


Phụ chú:

Thành lập năm 1991, VNHELP đặt tên loại học bổng trên là Học bổng Nguyễn Trường Tộ, và trong mấy năm trước đã cấp cho một số sinh viên tại Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Nẵng, Huế và Hà Nội.

(Note: To be published in Đặc san Tiền Giang, July 1998)