Community Colleges in Vietnam > Mission of the university Last updated 2002-01-08


This site presents a collection of articles by Dr Do Ba Khe and colleagues on education and, in particular, on the community college system in Vietnam.


Comments are welcome.
 

SỨ MẠNG ĐẠI HỌC

Đỗ Bá Khê
(Giảng văn "xuất trường"
đọc tại Viện Đại học Cần Thơ
ngày 19.12.1970)

Trước cao trào cầu học của thanh niên Việt Nam và sự phát triển mạnh mẽ đại học hiện nay, tôi xin trình bày một vài ý kiến về đại học.

Nhu cầu và sứ mạng thông thường của đại học

Cũng trong một bầu không khí trang nghiêm đầy triển vọng như hôm nay nhưng tại một quốc gia khác, diễn giả có nhận xét rằng:

Tại tất cả các quốc gia trên thế giới, cũ hoặc mới, mạnh hay yếu, độc tài hay dân chủ, ngày nay trường đại học mọc lên để thoả mãn nhu cầu đại học dường như là vô tận.
Một cường quốc như Hoa Kỳ có khả năng để thâu nhận hơn 43% thanh niên trong hạn tuổi đại học, trung bình mỗi một tuần lễ có một đại học mọc lên, thế mà cũng không đáp ứng hết nhu cầu. Tại các nước đang mở mang thì sự khao khát đại học lại càng khẩn yếu hơn. Như ở miền Nam Việt Nam này, từ một con số không, nay đã có 3 đại học công, 4 đại học tư, lại còn một số đại học khác đang trong thời kỳ phôi thai. Nền đại học tại miền Nam chỉ khởi điểm từ năm 1946. Nếu kể từ năm 1954 đến nay thì sỉ số đại học tăng 1.200%, cao đẳng kỹ thuật 1.500%, nhưng ngưỡng cửa đại học cũng còn quá hẹp đối với làn sóng sinh viên cuộn trào từ trung học dâng lên. Đó là một trong những nguyên do gây nên hiện trạng gọi là nguy cơ giáo dục quốc tế.

Vì áp lực từ dưới lên, nên biện pháp giản dị là mở thêm đại học để thoả mãn yêu cầu hiếu học. Nhưng, cũng như các nước đang vươn mình, nước ta vấp phải vào một trở ngại thứ hai, đó là sự khan hiếm tài lực và nhơn lực tối thiểu để thành lập và điều hành một đại học. Lợi tức quốc gia chưa đủ để thi hành giáo dục tiểu học cưỡng bách như hiến định, cũng như quá thiếu thốn để mở mang trung học đến nỗi 2/3 học sinh phải ghi tên tại các tư thục, đừng nói chi đến đại học là một công trình rất đắc giá.

Tài chánh eo hẹp có thể ít nguy hơn là khiêm khuyết nhơn sự. Một số đại học tư gia đã giải quyết vấn đề tài chánh bằng cách thâu học phí cao để thêm vào phần trợ cấp của Chánh phủ cùng các tài nguyên khác mà trang trải chi phí điều hành. Nhưng nhơn lực hiện nay là một vấn đề nan giải. Có giảng đường tiện nghi, có phòng thí nghiệm trang bị đầy đủ mà thiếu bộ óc để điều khiển vì vô dụng. Bất đắc dĩ một số giáo sư đã phải trở thành lưu động để giúp các đại học bạn.

Khi thành lập một đại học, phải định rõ sứ mạng của nó trong thực tại nào.

Sứ mạng thông thường của đại học là truyền đạt và bồi đấp sự hiểu biết. Nói một cách khác, hai tác dụng cổ điển của đại học là giảng dạy để mở rộng kiến thức, và khảo cứu để tìm hiểu Sự thật.

Đó là nghĩa hẹp của đại học phát sinh tại Âu Châu với những vị hiên triết Hy Lạp, lưu truyền đến các đại học sau nầy, như Đại học Y khoa Salerno và Đại học Luật khoa Bologna tại Ý Đại Lợi, Đại học Thần học và Triết học Paris, Đại học Oxford và Cambridge. Những đại học nầy có một truyền thống lâu đời nhứt, được thành lập trong những hoàn cảnh kinh tế xã hội trước cuộc Cách mạng Kỹ nghệ.

Giảng dạy gồm cả xét đoán và sáng tạo

Giảng dạy tức nhiên là tác dụng chính yếu của đại học. Phải thông rõ các điều cũ để suy luận các điều mới. Vì thế sự hiểu biết thường được truyền đạt dưới hình thức giảng luận, sách vở, hoặc ấn phẩm khác. Truyền đạt thôi không đủ, còn phải giúp sinh viên quan sát, thí nghiệm xét đoán bằng thảo luận, để gợi lên tư tưởng mới. Khi sinh viên thâu thập được một căn bản kiến thức vả một khả năng phân tích tối thiểu, thì mới sẵn sàng đương đầu với các vấn đề của xã hội và theo đuổi việc tự trau dồi thêm kiến thức khác. Khuynh hướng quốc tế hiện nay là giáo dục phải được thường xuyên (éducation permanente, life-long education), nghĩa là phải học trọn cả đời người mới theo kịp đà tiến triển của một thế giới biến chuyển không ngừng.

Tiến bộ khoa học kỹ thuật đã thâu hẹp không những địa cầu mà cả vũ trụ. Chỉ non nửa thế kỷ, máy bay trở thành công cụ lưu thông nhanh chóng thay đổi cuộc diện chánh trị, kinh tế và xã hội. Việc gì xảy ra tại mũi Kennedy hoặc tại mặt trăng có thể truyền đi trong khoảnh khắc khắp thế giới. Không gian và thời gian bị rút lại vì sự bùng nổ của sự hiểu biết. Kiến thức chồng chất trong thế kỷ thứ 20 bằng kiến thức mà loài người góp nhặt được trong tất cả các thế kỷ trước. Ngay bây giờ người ta đã nghĩ đến viễn ảnh của đời sống trong thế kỷ thứ 21, cả trên trái đất lẫn trên cung trăng.

Nhưng có điều mâu thuẫn là trong khi sự hiểu biết của toàn thể nhơn loại phát triển càng mau thì sự hiểu biết mỗi cá nhân thâu được lại càng không theo kịp đà, vì giáo dục tiến chậm, vì nhiều đại học thiếu phương tiện và thiếu điều kiện để đồng nhịp với thế giới bên ngoài của cộng đồng đại học. Những gì mà sinh viên thâu được tại đại học hôm nay thì ít sau đã lỗi thời. Vì thế chương trình và phương pháp giảng dạy phải làm thế nào cho, ngoài một số ý tưởng căn bản, sinh viên còn có óc xét đoán và sáng tạo để vể sau tuỳ theo sở thích cá nhân tìm học thêm mà thích nghi với kiến thức đương thời.

Khảo cứu để tìm sự thật

Tác dụng thứ hai của đại học là khảo cứu để tìm hiểu Sự thật va phát triển vốn liếng hiểu biết hiện hữu. Đại học bảo tồn tinh hao của xã hội. Nhờ nó mà văn hoá được lưu truyền qua các thời đại. Nhưng đại học không thụ động chỉ lập lại kho tàng hiểu biết một cách khô khan. Mỗi thế hệ, khi chuyển lại văn hoá cho thế hệ kế tiếp, có bổn phận phong phú thêm văn hoá ấy. Các điều giảng dạy hôm nay là kết quả của khảo cứu hôm qua, và phải khảo cứu hôm nay hầu có tài liệu mới, để giảng dạy ngày mai.

Ôn cổ tri tân
chưa đủ, phải
nhựt tân, nhựt nhựt tân
mới có tiến tới được.

Nhà bác học và triết lý Pascal nói:

Con người sinh ra để tìm Sự thật.
Đứa trẻ sơ sanh đã biết liếc mắt quan sát chung quanh. Lớn lên nó bò từ góc này sang góc nọ, để khám phá vật mới. Sự khám phá của lớp người trước đưọc bồi đắp hoặc bổ khuyết bởi thế hệ sau, nhơn loại theo đuổi một cuộc khảo cứu không ngừng. Điều may mắn cho ta là Hiến pháp Đệ nhị Cộng hoà đã quy định rằng giáo dục Quốc gia phải đặt trên căn bản khoa học. Đây là yếu tố cần thiết cho tiến bộ. Trong công cuộc theo đuổi Sự thật, khoa học có can đảm nhìn nhận khiêm khuyết để chấp nhận những ý kiến hữu dụng mới.
Con người sanh ra để theo đuổi Sự thật,
nhưng Pascal lại nói thêm rằng:
Đấng tối cao nắm giữ Sự thật.
Mấy ngàn năm trước, người Trung Hoa cũng có câu:
Sự thật, cũng như giòng nước chảy, cứ trôi đi ... vô tận.
Mặc dầu vậy, nhơn loại theo giòng thời gian vẫn cố tìm tòi khảo cứu mong đến chỗ thiện mỹ hơn. Trong việc khảo cứu loài người chỉ phăng từng hạt nhỏ của một xâu chuỗi dài, như Newton, người đặt ra các định luật căn bản về cơ học, nhận xét:
Tôi chẳng khác nào đứng trên một bãi biển, lượm nhặt một vài hòn đá tốt, còn trước mặt tôi là biển Chân lý mênh mông vô tận.
Chưa chắc các hòn đá chọn lọc ấy đều toàn mỹ, vì trên đường khảo cứu làm sao tránh khỏi thiếu sót. Cơ học cổ điển của Newton phải được bổ khuyết bởi cơ học tương đối của Einstein để đi đến khoa học hạch tâm và không gian. Max Planck, giải thưởng Nobel vể thuyết nguyên lượng (quantum) đã cùng một ý niệm như sau:
Nhìn lại con đường rắc rối quanh co dẫn đến sự khám phá thuyết nguyên lượng, tôi nhớ rất rõ rằng Goethe đã nói là bao giờ tìm tòi theo đuổi một điều gì con người luôn luôn lầm lỗi.

Không phải vì ám ảnh lầm lỗi mà không khảo cứu, vì thụ động là trái với luật sinh tồn và tiến hoá. Vậy một đại học xứng đáng với danh nghĩa của nó phải khảo cứu để đóng góp vào gia tài hiểu biết. Tên của nhiều đại học đã được gắn liền với các khám phá khoa học.

Công ích và thực tế

Trở về với thực tế, ta tự hỏi đại học Việt Nam có nên theo đuổi cao vọng với các khám phá lừng danh như thế ấy không? Ta phải nhìn nhận rằng nước ta là một nước kém mở mang, đại học của ta còn non nớt, thiếu dụng cụ, thư viện, giáo sư. Ta phải khiêm tốn và thực tế hơn để theo đuổi chương trình khảo cứu nào có liên hệ trực tiếp với sự phát triển kinh tế và xã hội của ta. Một nước kém mở mang như Việt Nam không thể phí phạm trong việc khảo cứu độc đáo về lý thuyết. Trái lại, nên áp dụng các kiến thức và kỹ thuật đã tìm ra ở xứ người để giải quyết các vấn đề khẩn yếu của xứ ta. Đây không phải là bắt chước, mà là một việc sáng tạo để phân biệt phần nào hữu ích và thích nghi hiểu biết sẵn có vào thực trạng của quốc gia. Như vậy mới có thể phát triển mau chóng và đỡ tốn kém công quỹ.

Đại học Việt Nam phải thực tiễn, và đây ta bước sang sứ mạng thứ ba của đại học, một sứ mạng mới nổi bật sau cuộc Cách mạng Kỹ nghệ và trong thời đại khoa học kỹ thuật ngày nay, đó là tác dụng công ích của đại học.

Đại học Việt Nam phải làm tròn sứ mạng công ích để phụng sự một xã hội chậm tiến. Đào tạo chuyên viên và cán bộ cho công, tư sở chưa phải là có tác dụng công ích hoàn toàn. Phải định hướng khảo cứu để nâng cao đời sống của cộng đồng. Phải có những chương trình đại chúng để mở mang dân trí, phát triển một nền dân chủ thật sự. Xứ ta là một xứ nông nghiệp, thì đại học phải đóng góp vào việc nghiên cứu để nâng cao sản xuất trong hai ngành ấy. Nền dân chủ còn mới, thì đại học phải giúp củng cố nền tảng chánh trị, cải tổ cơ cấu hành chánh để đưa đến công bằng xã hội.

Thuở xưa giáo dục tại Việt Nam giới hạn học giả quy tụ một số nhỏ môn sinh. Quốc Tử Giám là một công đồng riêng rẽ của một thiểu số văn học. Đại học Bologna thành lập ở Ý Đại Lợi hồi thế kỷ thứ 11 là do một số sinh viên bỏ tiền ra mướn thầy về dạy (universitas scholarium). Ngược lại, Đại học Paris thành lập sau đó là do một số giáo sư đứng ra gây dựng (universitas magistrorum) và trò phải tuân kỷ luật của thầy. Từ Á sang Âu, đại học thuở xưa chỉ phụng sự cho thiểu số được ưu đãi. Nó là một tháp ngà chói sáng tự cô lập hoá giữa biển người tối tăm.

Ngày nay đại học phải được quan niệm là một cộng đồng nhỏ gồm giáo sư và sinh viên, nằm ngay trong cộng đồng lớn hơn, tức là xã hội bên ngoài. Lắm lúc cần phải ngồi trên đỉnh tháp ngà mới có đủ yên tỉnh, sáng suốt mà suy nghĩ đến việc cao xa. Nhưng xã hội bên ngoài đang ngưỡng mộ thành trì đại học, nhìn lên đỉnh tháp để mong đại học giải quyết những vấn đề tuy tầm thường nhưng cấp bách hơn. Vậy cộng đồng đại học cũng phải thỉnh thoảng chịu khó tuột xuống chân tháp để nhìn gần thực tế, ghi nhận các vấn đề kinh tế xã hội rồi, nếu cần, trở lên đỉnh tháp mà suy ra những biện pháp hữu ích cho xã hội. Như vậy mới là công ích.

Tầm hoạt động của một đại học còn phải vượt khỏi chu vi của đại học. Đại học phải đến gần với cộng đồng để thấu rõ nhu cầu của cộng đồng mà đáp ứng. Vào cuối thế kỷ thứ 19, một nhà giáo dục Hoa Kỳ chán ngấy cái nghiệp văn chương và lý thuyết của đại học đương thời, đã mạnh dạng thúc đẩy định hướng thực tiễn và thốt rằng:

Phải chi tiêu cả triệu Mỹ kim để mua phân bón, không xuất một xu để mua văn chương.
Đó là động lực phát động phong trào "Đại học Canh nông Kỹ nghệ" (A&M colleges) của Hoa Kỳ, kết quả là ngày nay chỉ có 6% dân Mỹ làm nghề nông, mà mức sản xuất chẳng những thoả mãn nhu cầu trong xứ lại còn thặng dư để viện trợ cho nhiều nước khác.

Tác dụng công ích của đại học không chỉ giới hạn trong việc khảo cứu, mà còn phải gồm các công tác thường xuyên khác để hoà mình với cộng đồng, chẳng hạn như các buổi diễn thuyết về văn hoá, thảo luận về công dân giáo dục các chương trình văn nghệ, công tác xã hội, tranh giải thể thao, tất cả hướng về sự mở mang dân trí và dân thể, và tạo cơ hội thắt chặt tình đồng loại.

Nói đến tác dụng công ích của đại học, có người cho đó là việc quá tầm thường làm tổn thương đến nghiệp cao cả cổ truyền của Đại học. Thật ra, những Đại học lừng danh không ngần ngại tham gia vào các công tác tầm thường nhưng quan trọng ấy. Đại học Harvard đã sáng chế một chiếc tàu đổ rác cho thành phố Boston. Đại học Yale có công tác đân sự vụ, xem mạch phát thuốc cho cộng đồng New Haven, và đảm trách việc phục hồi nạn nhân thất nghiệp. Đại học Calìornia sáng chế một việc tầm thường là giây nịt an toàn cho xe hơi; tạo ra một giống cà tô-mát mới, có cuốn chắc, để có thể hái bằng máy mà không hao hợt.

Giáo dục quốc gia phải đặt trên căn bản khoa học, nghĩa là phải khai phóng. Nay, trong hoàn cảnh kinh tế xã hội mới, sứ mạng của đại học thêm một tác dụng mới, vậy đại học Việt Nam phải chấp nhận tác dụng mới ấy để phụng sự xã hội.

Định hướng đại học theo đường lối thực tiễn mới, có đi ngược với truyền thống và giá trị dân tộc không? Ông René Maheu, Giám đốc Cơ quan Giáo dục, Văn hoá và Khoa học Liên hiệp quốc (UNESCO), quả quyết là không. Tại Đông Kinh, khi bàn về đại học Á Châu, Ông khẳng định rằng đại học phải đáp ứng nhu cầu của xã hội đang phát triển, và có thể làm như vậy mà không hy sinh giá trị truyền thống.

Mơ ước chân trời mới

Đại học Cần Thơ được thành lập trong những điều kiện khó khăn. Nhờ sự nỗ lực và hy sinh của đàn anh mà hôm nay có một lớp tân khoa sẵn sàng bắt tay vào việc xây dựng xứ sở, hoặc tiến lên trên đường đại học để phục vụ đắc lực hơn về sau.

Ta lại mơ ước một Đại học Cần thơ, thích hợp với hoàn cảnh, gồm đến ba sứ mạng -- giảng dạy, khảo cứu, và công ích -- một việc khó vì nguy cơ khan hiếm tài chánh và nhơn sự. Hai sứ mạng trước chưa chu toàn, thì sứ mạng thứ ba là một sứ mạng mới, sao khỏi gặp trở ngại.

Tuy nhiên, có mơ ước mới có tiến bộ. Thuở xưa tiền nhân đã mơ ước một mảnh đất phì nhiêu, trải bao gian lao nguy hiểm để mở mang bờ cõi và, đất lành chim đậu, khai khẩn lưu vực Cửu Long với những phương tiện thô sơ. Kết quả là với 6 triệu dân cư, mặc dầu còn đến 43% đất đai chưa khai thác, miền Châu thổ này sản xuất đến 70% lúa gạo trên tổng số toàn quốc. Ngày nay, trong thời đại khoa học kỹ thuật, các tỉnh miền Tây đang trông chờ nơi ánh sáng soi đường của Đại học Cần Thơ, và mơ ước một chân trời mới, tô điểm bằng những cánh đồng với bông lúa vàng nặng trĩu, những thửa vườn hoa quả oằn cây, dân cư thơ thới, một cộng đồng trù phú trong một xã hội công bằng.

Đại học Cần Thơ đã làm cách mạng bằng việc bách khoa hoá chương trình cho thực tiễn với các môn khoa học ứng dụng, khoa học xã hội, và nhứt là trường Cao đẳng Nông nghiệp nhằm vào việc trồng trọt, chăn nuôi và ngư nghiệp. Tôi tin tưởng rằng: được thành lập do nguyện vọng của dân chúng, Đại học Cần Thơ sẽ làm tròn sứ mạng, để không phụ lòng mơ ước của cộng đồng Hậu Giang.