Community Colleges in Vietnam > Foreword to ... Last updated 2002-01-08


This site presents a collection of articles by Dr Do Ba Khe and colleagues on education and, in particular, on the community college system in Vietnam.


Comments are welcome.
 

Lời giới thiệu... Chuyện Đồng Quê (*)

Đỗ Bá Khê
Summer 1999

Xã hội Việt Nam nặng về nông nghiệp. Ngược dòng thời gian, gần hoặc xa, người Việt nào cũng tìm được nguồn gốc đồng quê của mình. Đã sinh kế, lập nghiệp ở thành thị, người Sài Gòn vẫn nhớ đồng quê, thích ra ngoại ô để thưởng thức không khí trong lành và nhấm những món ăn đồng quê, như cá lóc nướng trui của Quán Ba Râu ở Phú Lâm, cháo lòng Chợ Đệm, gà nướng lưỡi cuốc và canh chua lá vang Cầu Bình Lợi, cá hấp Biên Hòa, nem Lái Thiêu, gà xối mỡ Suối Lồ Ồ, tôm càng nướng Tân Thuận, gỏi cá chìa vôi Nhà Bè, v.v.

Định cư nơi đất khách, nhiều người không mất cái tâm tư đồng quê ấy. Nhớ câu "bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu," họ biến mảnh đất nhỏ quanh nhà thành rãnh rau, giồng khoai, líp mía để có đặc chất tăng thêm hương vị đồng quê cho các thức ăn hằng ngày. Có người trồng các cây ăn trái ưa thích như sa-bô-chê (sapotier), ổi xá lỵ Mỹ Thuận, bưởi Biên Hòa, chuối Xiêm, v.v. Mua giống rất đắc, nhưng lắm lúc không thâu hoạch được bao nhiêu và hương vị hoa quả cũng phai lạt đi vì khí hậu không thích ứng.

Tôi vốn là người đồng quê. Lớn lên ở đồng quê, tôi đã thật sự làm ruộng, làm vườn, làm mắm, lái ghe rộng bán cá sống. Mỗi khi bãi trường tôi về đến nhà là Má tôi biểu giặt sạch các bộ đồng phục bà ba trắng cất kỷ vào rương, rồi lấy quần áo cũ (rách vá nhiều lớp) bận để đi làm việc đồng áng. Tôi đã giữ trâu, đứng bừa, đứng trục, giở chà, bao đăng, tháo ụ, đặt trúm bắt lươn, soi ếch, thăm nò, lặn bắt óc gạo, cắm câu, lưới dơi, đuổi chim mùa lúa chín, bơi xuồng đâm chuột mùa nước nổi.

Một lý do mà tác giả nhờ tôi có mấy lời giới thiệu là vì cái thẹo cá trê chém trên ngón tay tôi. Số là... Nhơn dịp lễ Phục Sinh năm 1942, tôi theo làm mắm với Má tôi. Vì mùi mắm, ngày thì ruồi bu đầy mặt, đêm thì dòi bò tận miệng nóp. Cá nhiều nhờ Ba tôi tháo đập. Phần lớn cá trôi theo dòng nước cuốn về mặt đập và bị vớt lên bắt sống. Tôi phụ kiểm soát cá lội ngược, cá còn sót từ ngọn đập đã cạn nước. Lội bùn, bò trước đoàn con hôi (người bắt cá sót), tôi gặp một con cá trê quá lớn. Để khắc phục, tôi cố sức nhận đầu nó xuống bùn, lừa hai ngạnh của nó để khoá chặt giữa các ngón tay trái, và lần kéo cá lên khỏi bùn. Nhưng nó vùng vẫy quá sức tôi, ngạnh bén chém ngón tay giữa, lòi mỡ chảy máu, bùn non nhét vào làm độc, phải nằm Nhà thương Chợ Rẫy hai tuần (năm 1942, giữa Thế Chiến thứ hai, Việt Nam chưa có thuốc trụ sinh nên vết độc lâu lành; hiện nay tôi còn mang thẹo dài lối 2 cm). Kỳ thi Tú tài Pháp trong tháng 6 gần kề. Tôi phải đem sách vỡ vào nhà thương để học bù mấy ngày vắng mặt, và dọn thi. Đáng sợ là kỳ đó, giám khảo môn Pháp văn là nhà thạc sĩ văn phạm (agrégé de grammaire) đầu tiên của Việt Nam là Thạc sĩ P.D.K., tác giả của quyển Légendes des Terres Sereines. Ông có tiếng rất phê điểm rất gắt, đánh rớt nhiều thí sinh xuất sắc trong các khóa trước, nên được cái biệt danh là Đao Phủ Thủ của thí sinh (bourreau des candidats) -- điểm loại là 6/20, mà không bao giờ ông phê quá 10/20. Thật là học tài thi mạng. (Nghe nói, trong những ngày tàn của thực dân, có lần ông thạc sĩ bị chận đánh rớt xuống Hồ Hoàn Kiếm).

Nay được dịp đọc Chuyện Đồng Quê của Trần Văn, tôi rất thích thú hồi tưởng lại cái thiếu thời đồng quê của tôi. Tác giả gốc ở Châu Đốc, nên kể nhiều chuyện ở quanh vùng Kinh Vĩnh Tế, Núi Thất Sơn và Hậu Giang. Tôi gốc ở Tiền Giang, nên không được biết một số chuyện Hậu Giang. Tôi học của tác giả các thú giăng câu trời, đập chim ngủ đêm, câu cá he, chuyện tình dang dở cá leo, nằm tum đâm cá bông, gỏi sầu đâu, mắm cá trèn.

Tôi được đọc thêm ở nơi khác các món: mắm kho bông súng Đồng Tháp, mắm cồng và mắm tôm chà Gò Công, hủ tíu Mỹ Tho, bánh giá Chợ Giồng (Định Tường), cá cháy kho rim Trà Ôn. Đủ biết là món ăn đồng quê tận dụng thổ sản, phong phú dường nào.

Có một lúc tôi trôi dạt về núi Châu Đốc, nên chuyện Thất Sơn của tác giả càng thắm thía đối với tôi. Tôi có đi mua sỉ thổ sản ở các sóc người Miên buổi chiều, để đem ra bán lẻ ở Chợ Ba Chúc buổi sáng. Tôi lên rừng bứt mây về thắt giống, chuốt tre đan rổ, leo cây thốt nốt lấy mật, lên xuống đường dốc cong queo, gánh nước suối với cặp cà om (thay vì thùng thiếc như ở đồng bằng). Cà om là loại nồi đất đựng nước của người Miên, khi lở đụng bể một cái ở đầu nầy thì cái ở đầu kia cũng rớt bể theo luôn. Vì đường dài, để mau về tới nhà, tôi từng trở vai không ngừng, nghĩa là vừa đi vừa quay trở đòn gánh từ vai nầy sang vai kia, không thua các cô gái núi. Tôi biết qua Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật Thầy Tây An và Chùa Long Châu. Tôi có viếng một số đạo sĩ ẩn náo nơi hẻo lánh trên núi.

Tác giả làm cho tôi sống lại quãng đời cần cù nơi đồng quê, nhọc xác nhưng khoẻ tâm. Đặc điểm của tập ký ức nầy là các câu chuyện độc đáo, lời văn hồn nhiên, gọn ghẻ, thành thật, không cầu kỳ, như để giữ trọn tánh cách mộc mạc của nông dân trong các sinh hoạt vất vả hàng ngày, các phong tục tập quán địa phương, các thú vui giản dị tùy mùa, và nhứt là các thức ăn đặc sản với phẩm chất và hương vị thanh khiết khó tìm lại được.

Biến cố 1975 là cơn bão lốc, làm cho ta bị tróc gốc, phiêu dạt nơi đất lạ. Nhưng ta không mất gốc. Đọc chuyện của Trần Văn để nhớ lại đồng quê, một phần nhỏ của quê hương lớn mà hình ảnh vẫn còn in sâu vào lòng ngưòi viễn xứ.

(*) Trần Văn, Chuyện Đồng Quê (1999) Tiếng Vang, Sacramento, California; 278 trang.