Community Colleges in Vietnam > Foreword to ... Last updated 2002-01-08

 


This site presents a collection of articles by Dr Do Ba Khe and colleagues on education and, in particular, on the community college system in Vietnam.


Comments are welcome.
 

Lời giới thiệu... Kinh tế Cộng hệ (*)

Đỗ Bá Khê (1) & Trần Quí Thân (2)
Fall 2000

Ðây là một quyển sách do người Việt hải ngoại viết cho người Việt trong nước.

Một công trình đầy thiện chí, đậm tình thương, do một chuyên gia trẻ tuổi được may mắn gặp vận hội mới, thành công nơi đất lạ. Nhớ đến đàn em nơi đất mẹ, tác giả muốn chia xẻ kinh nghiệm bản thân cho đàn em có hành trang thích nghi trên con đường phục hồi và phát triển kinh tế để hưng quốc, đúng như ước nguyện của phụ thân khi đặt tên con là Hà Hưng Quốc.

Một công trình bất vụ lợi, đầy hy sinh, vì tác giả vừa là một giám đốc điạ phương Toàn-Hảo-Quản-Trị (TQM, Total Quality Management) Miền Trung Tây (Midwest) của một công ty trong số 500 công ty lớn nhất của Hoa Kỳ (a Fortune 500 company), vừa kinh doanh tổng quản lý một xí nghiệp gia đình có ba cơ sở ở miền Nam California, vậy mà còn cố gắng tìm thời giờ để sưu tầm soạn một ấn phẩm rất súc tích, hướng về cố hương.

Một công trình đầy can đảm, bạo dạn bước chân vào lãnh vực chuyên môn của bậc đàn anh trong và ngoài nước. Khi rời đất mẹ, tác giả là một thanh niên tự học, quá tuổi nhưng chưa có bằng trung học. Không như đa số di dân khác, tác giả đã không quên tiếng mẹ, trái lại, trau dồi để bảo tồn và phát huy tiếng mẹ. Nay lạc vào rừng từ ngữ chuyên môn, tác giả khiêm nhường đón nhận phê phán của độc giả để hiệu chính và phong phú hoá thuật ngữ kinh tế Việt Nam.  

Nhớ lại, trước khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt năm 1945, ở toàn cõi Ðông Dương dưới thời Pháp thuộc, chỉ có một viện đại học, đó là Université de l’Indochine tại Hà Nội, cho sinh viên Việt, Miên, Lào. Môn kinh tế chỉ là một phần nhỏ của ban cử nhân luật (3 năm). Phải ghi chép kỹ, vì sách ở thư viện hiếm hoi và các trang hay bị xé mất. Ðại giảng đường thiếu chỗ nên sinh viên phải dậy thật sớm trong tiết đông giá lạnh, để giành chỗ ngồi ở hàng ghế đầu. Ðến giờ, có người mở cửa báo cho giáo sư người Pháp bệ vệ bước vào với sắc phục đại học uy nghiêm, khoan thai an tọa nơi bụt cao, diễn giảng hùng hồn suốt giờ. Dạy môn chính trị kinh tế (économie politique), giáo sư không tin tưởng nơi thống kê, cho rằng “thống kê nói láo” (mensonge de la statistique). Ông theo truyền thống dạy môn kinh tế trên nền tảng triết lý, đạo đức, chánh trị. Ông rất hãnh diện khoe rằng môn sinh của ông giữ chức vụ then chốt trong hai chánh thể ở Miền Bắc lẫn Miền Nam, kể cả người hùng Ðiện Biên Phủ.

Khi đại học bắt đầu ở Sài Gòn năm 1946 thì một số giáo sư Pháp và giảng sư Việt được chuyển từ Hà Nội vào, tiếng Pháp vẫn là chuyển ngữ và môn chính trị kinh tế vẫn là một phần nhỏ của học trình cử nhơn luật. Giảng sư Việt được gởi đi Pháp để lấy bằng thạc sĩ (agrégation) trở về thay thế giáo sư Pháp. Tiếng Việt được dùng trước ở các trường luật, văn khoa và sư phạm. Mãi đến 1961 tiếng Việt mới chánh thức thay tiếng Pháp để dạy ở tất cả các cấp đại học.

Về sau, thế hệ trẻ tốt nghiệp môn kinh tế học (economics) từ Anh Mỹ trở về giảng dạy theo phương pháp toán học và khoa học. Môn kinh tế trở nên thạnh hành, được dạy tại nhiều đại học sau nầy, như: Ðà Lạt, Huế, Quốc Gia Hành Chánh, Cần Thơ, Vạn Hạnh, Minh Ðức, Bách Khoa Thủ Ðức. Từ ngữ kinh tế, phiên dịch từ ngoại ngữ ra tiếng Việt Nam là một việc khó, gây ra nhiều tranh luận. Thậm chí, trước năm 1975, một giáo sư lão thành đề xướng dạy thẳng bằng tiếng Anh, tiện lợi cho thầy nhưng khổ cho trò!  

Ðược biết hiện nay ở Việt Nam, có “sự bùng nổ đại học” (higher education explosion). Nhiều đại học dân lập (semi-private universities) nổi lên tận tỉnh xa để đón nhận sinh viên không trúng tuyển vào các đại học lớn như Ðại Học Kinh Tế Hà Nội và ÐHKT Sài Gòn. Qua thời cuộc, phương pháp giảng dạy ắt chịu ảnh hưởng nhiều của các nước xã hội. Giới thiệu kiến thức căn bản kinh tế học tư bản thông dụng ở Hoa Kỳ, tác giả chỉ muốn mở rộng thêm chân trời, bổ túc sự hiểu biết để khuyến khích óc đối chiếu, phân tách và suy luận của sinh viên, không phải áp dụng nguyên y, trái lại dựa trên khoa học kinh tế tân thời mà thích ứng với thực tại Việt Nam.

Từ lý thuyết sang thực hành còn tùy thuộc bối cảnh chánh trị xã hội trong nước và áp lực của toàn-cầu-hoá (globalization) bên ngoài. Vì thế chánh trị kinh tế (political economy) và kinh tế học (economics) phải song hành mới đi tới một chánh sách quốc gia thích hợp. Thi hành ở cấp địa phương còn cần kiến thức về kinh tế cá hệ (microeconomics) -- ngoài khuôn khổ của sách này.

Nước nào cũng có thịnh có suy. Nhưng hiện nay khó phủ nhận Hoa Kỳ là một cường quốc kinh tế. Vả lại Hoa Kỳ chiếm nhiều giải thưởng Nobel về kinh tế nhứt. Giải Nobel bắt đầu từ 1901 cho các ngành vật lý, hoá học, sinh lý học/y học, hoà bình, cho rằng các môn này giúp ích nhơn loại. Mãi đến 1969 mới thêm ngành kinh tế học. Liền năm sau, 1970, Paul A. Samuelson đoạt giải; và từ đó đến nay, trong vòng 30 năm, hơn 25 người Mỹ được danh dự này, trong số đó 21 người đã từng học hoặc khảo cứu tại University of Chicago. Ðó là nhờ hệ thống đại học Hoa Kỳ mạnh nhứt thế giới, một hệ thống cởi mở, đa ngành (mutidisciplinary) và liên ngành (interdisciplinary), sát cánh với kỹ nghệ, chiêu hiền đãi sĩ, không mặc cảm đón nhận ý kiến bốn phương, tôn trọng tự do ngôn luận (freedom of speech), tự do đại học (academic freedom), rất thuận tiện cho việc sưu tầm, khảo cứu theo đuổi sự thật cho đến cùng.

Riêng Việt Nam, các nhà lãnh đạo đã nhiều lần công nhận là một trong những nước nghèo nhứt thế giới. Mới đây, nhơn khoá mùa thu 2000, một cô gái 12 tuổi, học tại gia mà được nhận vào University of California at Davis (trước đó, anh cô cũng được nhận vào đại học này lúc 12 tuổi). Trả lời câu hỏi báo chí về tương lai, thần đồng nầy nói rằng sau khi thành tài cô hy vọng “giúp người nghèo ở Việt Nam, và các xứ khác ở Á Châu, Phi Châu.” (Contra Costa Times, vol. 89, no. 121, Friday, September 29, 2000).

Lời nói hồn nhiên đầy cảm tình của em gái Mỹ làm thêm chạnh lòng người viễn xứ. Mong rằng quyển sách nầy nói lên được cái hoài bão của người Việt hải ngoại, tuy xa nước nhưng vẫn nhớ nguồn, muốn giúp người trong nước, vì trong hay ngoài cũng là con của Mẹ Việt Nam. Hy vọng nó là một công cụ tìm hiểu, suy luận, kích thích được óc sáng tạo của tuổi trẻ khả quí Việt Nam, để cùng nhau phát triển kinh tế, đem lại hạnh phúc cho toàn dân trên con đường phục hưng cố quốc.

(*) Hà Hưng Quốc, Kinh tế Cộng hệ (Macroeconomics) (2000), Khai Phong E-Publisher, Ft Smith, Arkansas.
(1) Adjunct Professor of Engineering, California State University, Sacramento; Dean of Science Emeritus, American River College, Sacramento; Cựu Viện Trưởng, Viện Ðại Học Bách Khoa Thủ Ðức; Cựu Phó Viện Trưởng, Viện Ðại Học Sài Gòn; Ph.D., University of Southern California
(2) B.Sc (Econ), London School of Economics; Ph.D., Cornell University; Cựu Tổng Giám Ðốc, Ngân Hàng Ðông Phương, Sài Gòn